Lý luận của chủ nghĩa tiền tệ Đường cong Phillips

Đường cong Philips ngắn hạn và Đường cong Phillips dài hạn

Chủ nghĩa tiền tệ đã bác bỏ lý luận nói trên của trường phái kinh tế học vĩ mô tổng hợp. Họ cho rằng đường cong Phillips như trên chỉ là đường cong Phillips ngắn hạn. Friedman đã đưa ra khái niệm tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, theo đó khi thị trường lao động ở trạng thái cân bằng vẫn có thất nghiệp. Đây là dạng thất nghiệp tự nguyện. Vì thế, ở trạng thái cân bằng, tỷ lệ thất nghiệp vẫn là một số dương. Và khi nền kinh tế cân bằng, thì lạm phát không xảy ra. Đường cong Phillips ngắn hạn dốc xuống phía phải và cắt trục hoành ở giá trị của tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên. Hễ chính phủ áp dụng các biện pháp nhằm đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức này, thì giá cả sẽ tăng lên (lạm phát), và có sự dịch chuyển lên phía trái dọc theo đường cong Phillips ngắn hạn.

Sau khi lạm phát tăng tốc, cá nhân với hành vi kinh tế điển hình (hành vi duy lý) sẽ dự tính lạm phát tiếp tục tăng tốc. Trong khi tiền công danh nghĩa không đổi, lạm phát tăng nghĩa là tiền công thực tế trả cho họ giảm đi. Họ sẽ giảm cung cấp lao động, thậm chí tự nguyện thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp lại tăng lên đến mức tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, trong khi tỷ lệ lạm phát vẫn giữ ở mức cao.

Nếu nhà nước vẫn cố gắng giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức tự nhiên, cơ chế như trên lại xảy ra. Hậu quả là, trong dài hạn, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức tự nhiên mà tỷ lệ lạm phát lại bị nâng lên liên tục. Chính sách của nhà nước như vậy là chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, còn về dài hạn là thất bại.

Tập hợp các điểm tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên và các mức tỷ lệ lạm phát liên tục bị đẩy lên cao tạo thành một đường thẳng đứng. Đường này được gọi là đường Phillips dài hạn.